G-7EYHC9NXL2 Đổi mới đánh giá môn Tiếng Việt lớp 1,2,3

Đổi mới đánh giá môn Tiếng Việt lớp 1,2,3

 Phần I. Một số vấn đề cốt lõi về đánh giá năng lực, vận dụng vào đánh giá năng lực tiếng Việt ở lớp 1, 2, 3.

1. Khái niệm về đánh giá năng lực tiếng Việt

      NLTV là một NL chuyên môn, chủ yếu được phát triển có hệ thống trong môn học Tiếng Việt ở cấp TH. NLTV gồm các thành tố : đọc, viết, nói và nghe, những kiến thức về tiếng Việt được dùng để đọc, viết, nói và nghe có hiệu quả. Do vậy khi đánh giá NLTV cần đánh giá các thành tố đọc, viết, nói và nghe, kiến thức tiếng Việt (trong đọc, viết, nói và nghe).

     Đối tượng đánh giá NLTV gồm sản phẩm và quá trình học TV của HS. Sản phẩm bao gồm những sản phẩm đọc, viết, nói và nghe. Quá trình bao gồm kết quả học đọc, viết, nói và nghe của HS trong các bài học, trong từng học kì và cả năm học.

2. Các phương thức đánh giá năng lực tiếng Việt

Hoạt động đánh giá trong môn Tiếng Việt sử dụng hai phương thức: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.

2.1. Đánh giá thường xuyên

ĐGTX là hoạt động đánh giá diễn ra trong tiến trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho GV và HS để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của HS theo mục tiêu giáo dục tiểu học. ĐGTX có một số đặc điểm sau:

- Xét về bản chất, hoạt động ĐGTX không tách rời hoạt động học tập, nó là loại hoạt động học tập có mục tiêu kép : học và đánh giá kết quả học.

– Mục tiêu của đánh giá là mục tiêu ngắn hạn.

Ví dụ: Đánh giá để nâng cao kĩ năng đọc thành tiếng (kĩ thuật đọc), kĩ năng đọc hiểu của HS lớp 2.

– Các nhiệm vụ đánh giá được đề ra nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động học.

Ví dụ: Đánh giá kĩ năng viết đúng chính tả các từ của HS lớp 2; đánh giá kĩ năng hiểu điều tác giả muốn nói trong văn bản văn học dựa trên gợi ý.

– Việc thông báo kết quả đánh giá cho HS là sự chỉ dẫn của GV để HS chỉnh sửa hoạt động học nhằm nâng cao chất lượng học.

Ví dụ: GV chỉ dẫn HS cách tìm ý để viết đoạn văn miêu tả đồ vật :
+ Quan sát đồ vật về : hình dáng, màu sắc, hoạt động.
+ Nói và viết thành câu từng điều quan sát được
+ Sắp xếp những câu văn theo trình tự tả HS tự chọn, ví dụ : hình dáng – màu sắc – hoạt động.
Ví dụ: Đánh giá đoạn văn sau của HS lớp 2 và chỉ dẫn hS điều chỉnh, sửa chữa để bài làm tốt hơn :

        Mẹ mua cho em đôi giầy thể thao mới. Đôi giầy làm bằng vải chống thấm màu đỏ, đế cao su trắng. Mũi giầy có hình chú gấu nâu. Em rất thích đôi giầy này.

    GV có thể nhận xét như sau: Tả đúng yêu cầu, tả được hình dáng màu sắc và chất liệu đôi giầy. Câu văn gọn. Em nên thêm câu văn tả điều em cảm nhận được khi mang giầy đi tập (ví dụ : thấy êm chân, dễ chạy nhảy, ...).

2.2. Đánh giá định kì
ĐGĐK là đánh giá kết quả học tập của HS sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện của HS theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.1

ĐGĐK là hình thức đánh giá có tính tổng hợp nhằm cung cấp thông tin về mức độ thành thạo năng lực của HS sau một giai đoạn học tập (nửa học kì, cuối học kì, cuối năm học). Đánh giá định kì có mục tiêu chính là xác nhận kết quả học của HS để căn cứ vào đó cho điểm, tạo cơ sở để xếp loại HS.

Ví dụ: Đánh giá định kì môn Tiếng Việt có hai bài: bài kiểm tra đọc dùng để đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, kết hợp kiểm tra kĩ năng nghe nói; bài kiểm tra viết dùng để đánh giá kĩ năng đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt; kĩ năng viết bao gồm kĩ thuật viết chính tả đoạn văn (dạng tập chép hoặc dạng nghe – viết), viết đoạn văn theo mục đích thuật việc, miêu tả, bộc lộ cảm xúc, thuyết minh (giới thiệu); kĩ năng dùng từ và đặt câu trong viết văn bản.
2.3. Căn cứ để đưa ra kết quả đánh giá năng lực tiếng Việt của học sinh.
NLTV của HS được hình thành và phát triển trong cả một quá trình học tập ở từng lớp học, từng cấp học, cả bậc học phổ thông. Sự phát triển của năng lực cho thấy sự tiến bộ của HS sau mỗi giai đoạn học tập. Do đó, việc đánh giá NLTV cần phải đạt được 2 mục đích : 1) Xác nhận sự tiến bộ của HS trong học tập. 2) Xác nhận kết quả học của HS sau từng giai đoạn học tập (nửa học kì, một học kì, một năm học, cấp học).

Để đạt được cả 2 mục đích trên, GV cần thực hiện ĐGTX NLTV của HS trong các bài học và đánh giá kết quả học tập của HS sau mỗi giai đoạn học tập bằng ĐGĐK. Khi đưa ra kết quả đánh giá HS về NLTV, GV cần căn cứ vào cả 2 hoạt động ĐGTX và ĐGĐK để công bố cho HS và các bên liên quan (cha mẹ HS, các cấp quản lí giáo dục ở trường, địa phương). Căn cứ vào kết quả ĐGTX, GV nhận xét về sự tiến bộ của HS, chỉ ra những điểm HS cần tiếp tục rèn luyện để có kết quả tốt hơn. Căn cứ vào kết quả ĐGTX và ĐGĐK, với những HS đạt mức thấp, GV cần đưa ra các khuyến nghị, chỉ dẫn cụ thể để HS tiếp tục rèn luyện nhằm đạt được những YCCĐ các em chưa đạt được. Với những HS đạt mức đạt các YCCĐ, GV đưa ra các khuyến nghị để HS biết cần rèn luyện tiếp ở những YCCĐ nào để kết quả học tập được cải thiện hơn. Với những HS đạt mức cao so với YCCĐ, GV cũng cần chỉ rõ HS đã có những ưu điểm trong các YCCĐ nào và cần làm thêm gì để đưa kết quả học lên cao hơn nữa.

ĐGTX trong môn Tiếng Việt sử dụng những nhóm phương pháp và kĩ thuật đánh giá sau:
- Nhóm phương pháp quan sát với các công cụ như phiếu quan sát, sổ ghi chép sự kiện hàng ngày (cho một số HS khi GV thấy cần).
- Nhóm phương pháp vấn đáp với các kĩ thuật như đặt câu hỏi, nhận xét bằng lời và trình bày miệng.
- Nhóm phương pháp viết với các kĩ thuật như kiểm tra viết với 2 hình thức phổ biến (trắc nghiệm nhiều lựa chọn và tự luận), GV viết nhận xét, HS viết nhận xét bạn, HS viết suy nghĩ của mình.
-  Một số kĩ thuật đánh giá như: xử lí tình huống, tổ chức trò chơi (hoặc cuộc thi), viết phiếu kiểm tra.

Phần II. Một số hướng dẫn đánh giá thường xuyên năng lực đọc ở các lớp 1, 2, 3.

1. Đánh giá thường xuyên kĩ năng đọc thành tiếng

1.1. Thông qua phiếu quan sát
Phiếu quan sát là công cụ cho phép GV thu thập thông tin để đưa ra nhận định về kết quả học tập của HS theo những tiêu chí được mô tả thành từng mức độ rất rõ ràng. Có nhiều loại phiếu quan sát: phiếu dạng số, phiếu dạng đồ thị có mô tả,... Trong đánh giá kĩ năng đọc, phiếu quan sát dạng đồ thị có mô tả (gọi tắt là phiếu quan sát) được dùng phổ biến hơn cả.

Để thiết kế một phiếu quan sát đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, cần lưu ý:
- Những tiêu chí đưa ra để quan sát phải là những yêu cầu cần đạt của kĩ năng đọc.
Ví dụ: Âm lượng (độ to), Đúng (độ chính xác), Ngắt nghỉ hơi (độ trơn), Tốc độ.
- Những mô tả trong phiếu quan sát phải là những bằng chứng có thể trực tiếp quan sát được.
- Các mức độ mô tả trong phiếu quan sát phải được định nghĩa rõ ràng (xem bảng 1).
- Số mức độ mô tả nên từ 3 – 5.
Chẳng hạn có thể mô tả 3 mức độ trong đọc thành tiếng: mức 1 là mức thể hiện kết quả của nhóm HS đạt yêu cầu ở mức thấp (thấp hơn so với YCCĐ nêu trong chương trình), mức 2 là mức thể hiện kết quả của phần lớn HS (tương đương với các YCCĐ nêu trong chương trình), mức 3 là mức thể hiện kết quả của nhóm HS đạt yêu cầu ở mức cao thấp (cao hơn so với YCCĐ nêu trong chương trình).
Ví dụ: Bài đọc lần 1 – đoạn văn 1 (lớp 2) :
Lam vẫn chưa tin lời mẹ. Cho đến hôm Hội diễn văn nghệ thì cô bé đã hiểu. Tiết mục nhảy tập thể của Lam và các bạn đạt giải Nhất. Khi trao giải, thầy hiệu trưởng khen : Không chỉ Lam biết nhảy mà mái tóc của Lam cũng biết nhảy.”
Từ đó, các bạn không trêu Lam nữa. Cô bé rất vui. Sáng nào, Lam cũng dậy sớm để chải tóc thật đẹp trước khi đến trường.


Sau lần thứ nhất, GV đánh giá bằng nhận xét: Em đọc còn nhỏ. Chú ý đọc đúng một số từ, ngắt nghỉ hơi ở câu dài.

Sau lần thứ hai, GV đánh giá bằng nhận xét: Em đã tiến bộ, đọc to hơn. Tuy nhiên em vẫn cần chú ý đọc đúng một số từ và ngắt nghỉ hơi ở câu dài .

Sau lần thứ ba, GV đánh giá bằng nhận xét: Em đã tiến bộ, đọc to hơn, nhanh hơn. Tuy nhiên em vẫn cần chú ý ngắt nghỉ hơi ở câu dài, chú ý đọc đúng một số từ.

Căn cứ vào phiếu quan sát trên, GV có thể nhận định kết quả đọc thành tiếng của HS Vũ Duy An như sau: Có nhiều tiến bộ trong việc đọc: đọc to, đọc đúng, tốc độ đọc tốt. Kết quả đọc vững chắc. Cần luyện thêm ngắt nghỉ hơi và đọc đúng từ.


Ví dụ bài đọc lần 1 – đoạn văn 1 (lớp 3) : 

Một lần, vào giờ kiểm tra Toán cuối năm, trong khi các bạn mải miết làm bài thì không hiểu sao, Huy-gô lại ngồi cắn bút từ đầu giờ. Thầy giáo cũng sốt ruột thay cho học trò của mình. Chỉ còn hai mươi phút nữa là phải nộp bài. Các bạn xung quanh đã có người làm xong, thế mà Huy-gô vẫn ngồi cắn bút, hai tai đỏ nhừ. Thầy giáo lại giơ đồng hồ xem và nhìn Huy-gô. Còn mười lăm phút nữa. Lúc này Huy-gô mới bắt đầu đặt bút viết. Thầy giáo thở phảo. Nhưng liệu có kịp không nhỉ? Ông lo lắng cho Huy-gô.

Ví dụ bài đọc lần 2 – đoạn văn 2 (lớp 3):

Hai chị em cũng líu lo kể chuyện cho mẹ nghe. Em Hân bao giờ cũng tranh kể trước. Em hay kể về các bạn ở lớp mẫu giáo, về những trò chơi em được cô dạy, hay những món quà chiều em ăn rồi muốn ăn thêm nữa. Thư thì kể cho mẹ nghe chuyện được cô giáo mời đọc bài văn trước cả lớp, về những bài toán thử trí thông minh các bạn đố nhau trong giờ ra chơi...

Ví dụ bài đọc lần 3 – đoạn văn 3: 

Tôi và Si-khin được làm thủ thư của thư viện lớp. Thật là oách ! Si-khin hào hứng đến nỗi chốc chốc lại chạy ra ngắm nghía sách. Thấy gáy của một số cuốn sách lỏng lẻo, trang sách tuột ra, nó lấy xuống để hai đứa dán lại. Nó ca cẩm:

- Trang thì rách, bìa thì rời ra, lại còn ai vẽ vào đây nữa chứ.
Chúng tôi quyết định treo một khẩu hiệu :”Sách là bạn của chúng ta. Hãy bảo vệ sách !”


* Nhận xét của GV sau lần đọc thứ 3 : Em đã có tiến bộ trong đọc to và tốc độ đọc nhanh hơn. Tuy nhiên, em cần luyện đọc thêm các từ ngữ nước ngoài phiên âm sang tiếng Việt để đọc chính xác hơn.

Khi đánh giá bằng phiếu quan sát, GV không chỉ quan sát 1 lần mà cần quan sát nhiều lần để thấy sự chuyển biến hoặc sự tiến bộ của HS. Tuỳ vào điều kiện sĩ số HS trong lớp, GV nên quan sát mỗi HS khoảng 3 – 4 lần trong một học kì về kĩ năng đọc ở những thời điểm khác nhau. Trên cơ sở kết quả quan sát được thể hiện trên phiếu, GV có thể đưa ra những nhận xét về kết quả học của HS, đưa ra những khuyến nghị để HS cải thiện kết quả học của từng em sau mỗi lần quan sát. Nếu cần cho điểm (khi đánh giá định kì), GV chú ý làm đúng trình tự: nhận xét bằng lời trước, cho điểm sau.

1.2. Thông qua sổ ghi chép sự kiện hàng ngày (sổ ghi chép không phải là yêu cầu bắt buộc đối với GV tiểu học)

Sổ ghi chép sự kiện hàng ngày do GV tự làm, dùng để ghi chép những sự kiện GV nhận thấy trong khi tiếp xúc với HS trên lớp. Mỗi GV nên có một sổ ghi chép các sự kiện hàng ngày của HS. Sổ này chỉ dành để đánh giá một số ít HS có những yếu kém đặc biệt, không dùng để đánh giá tất cả HS. Trong sổ này, GV dành cho mỗi HS một vài trang. Vì không thể ghi chép nhiều sự kiện của nhiều HS, GV cần chọn lựa khi ghi chép, cụ thể là :

– Chọn một số HS cần tới sự giúp đỡ đặc biệt của GV (những HS đọc yếu, những HS thiếu tự tin, những HS có khó khăn về đọc,...).

– Chọn những hành vi của HS không thể đánh giá được bằng các phương pháp khác, ví dụ HS không chịu đọc khi được GV yêu cầu.

Khi ghi chép, GV cần tập trung vào ba nội dung: mô tả sự kiện, nhận xét của GV, ghi chú về cách giải quyết của GV (xem bảng 5).

Để làm tốt việc ghi chép sự kiện hàng ngày, GV cần:

– Chọn HS cần được giúp đỡ về mặt nào đó để quan sát.

– Xác định những sự kiện cần quan sát.

– Yêu cầu các GV dạy những môn học khác cùng ghi chép các sự kiện tương tự.

– Khi đã thu thập đủ thông tin qua ghi chép sự kiện hàng ngày của nhiều GV, GV chủ nhiệm mới đưa ra những ý kiến đánh giá HS.

Ưu điểm của Sổ ghi chép sự kiện hàng ngày là mô tả được hành vi của HS trong tình huống tự nhiên, qua đó thấy được cách HS thể hiện bản thân một cách chân thực nhất. Nhờ những ghi chép này, GV có thể phát hiện được những điểm yếu của HS, những chuyển biến tích cực hoặc tiêu cực của HS trong quá trình học. Hạn chế của công cụ này là đòi hỏi GV phải tốn nhiều thời gian và công sức ghi chép liên tục trong một khoảng thời gian đủ để thu thập thông tin.


1.3. Thông qua cuộc thi

- GV có thể tổ chức cuộc thi đọc giữa các nhóm rồi cho HS tự đánh giá lẫn nhau.

Ví dụ: Ở lớp 2, tổ chức cuộc thi đọc giữa các nhóm, mỗi nhóm chọn 1 em đại diện tham gia cuộc thi. 4 HS đại diện đọc đoạn văn trong bài đọc. Sau cuộc thi, GV dùng kĩ thuật HS đánh giá lẫn nhau để HS thực hiện đánh giá theo các câu hỏi của GV gợi ý: Bạn nào đọc to rõ nhất? Bạn nào không đọc sai từ? Bạn nào ngắt nghỉ hơi ở dấu phẩy, dấu chấm, dấu hai chấm xuống dòng? Bạn nào đọc còn chậm? Trên cơ sở nhận xét của HS, GV chỉ ra cho HS thấy đội nào có kết quả đọc tốt hơn.

2. Đánh giá thường xuyên kĩ năng đọc hiểu

2.1. Thông qua kĩ thuật đặt câu hỏi

GV có thể dùng câu hỏi củng cố hoặc câu hỏi kiểm tra để đánh giá mức độ hiểu văn bản của HS. Ví dụ: Dùng câu hỏi Bốn nàng tiên tượng trưng cho những mùa nào trong năm? để yêu cầu HS nhận biết chi tiết quan trọng trong bài đọc Chuyện bốn mùa.

GV có thể dùng câu hỏi để HS nhận biết đặc điểm của nhân vật thông qua hình dáng hoặc hành động, lời thoại cuat nhân vật. Ví dụ : Em có suy nghĩ gì về hành động của bé gái trong câu chuyện Chia sẻ niềm vui? 

GV có thể dùng câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan dạng nhiều lựa chọn để củng cố mức độ hiểu của HS về đề tài của văn bản. Ví dụ câu hỏi về đề tài bài đọc Bà tôi:


GV có thể dùng câu hỏi mở để đánh giá mức độ hiểu văn bản của HS. Ví dụ: Để đánh giá mức độ nhận biết được hành động của nhân vật trong bài của HS khi đọc bài Sự tích cây thì là2, GV đặt câu hỏi: Để được trời đặt tên, cái cây dáng mảnh khảnh, lá nhỏ xíu đã giới thiệu về mình như thế nào?. Hoặc trong bài đọc thơ Đồ đạc trong nhà, GV có thể dùng câu hỏi mở để đánh giá mức hiểu bài thể hiện qua việc rút ra bài học từ văn bản: Vì sao bạn nhỏ xem đồ đạc trong nhà là bạn thân? GV có thể dùng câu hỏi mởi để đánh giá những điều HS học được sau khi đọc một văn bản thông tin. Ví dụ : từ bài đọc trên, em thấy mình cần làm gì để bảo vệ môi trường?

GV có thể tổ chức cuộc thi để đánh giá kĩ năng đọc hiểu của HS : 3-4 HS truyền điện nói câu trả lời cho câu hỏi sau (mỗi HS nói 1 câu trả lời câu hỏi rồi chỉ định HS tiếp theo nói  câu trả lời khác). Câu hỏi : Vì sao cô gió được nhiều người yêu mến? 

Kết quả của cuộc thi tự nó đã đánh giá mức độ đọc hiểu của từng nhóm, từng HS.

GV không nên chỉ giữ quyền đặt câu hỏi mà cần trao quyền hỏi cho HS bằng cách đặt câu hỏi để khuyến khích HS tự đặt câu hỏi về bài đọc. Khi GV cho HS đặt câu hỏi, các em sẽ hứng thú hơn với bài học, đồng thời rèn được kĩ năng đặt câu hỏi – một kĩ năng học tập tích cực của HS. Ví dụ: Khi đọc bài Bàn tay dịu dàng, GV đặt câu hỏi cho HS: Em muốn biết thầy giáo hoặc cô giáo đã làm gì để quan tâm đến người bạn thân của em không? Em hãy hỏi bạn. Trên cơ sở câu hỏi của GV, HS nêu câu hỏi: Cô giáo đã làm việc gì để thể hiện sự quan tâm đến bạn? Từ câu hỏi của bạn, HS khác sẽ có câu trả lời làm rõ ý liên hệ bài học với thực tiễn đời sống của từng HS.

2.2. Thông qua kĩ thuật trình bày miệng

GV có thể yêu cầu HS trình bày miệng để thể hiện mức độ hiểu bài đọc. Cách đánh giá này khiến HS chủ động nói ra điều các em hiểu, đồng thời giúp HS được phát triển tính độc lập trong tư duy và rèn ngôn ngữ nói.

Ví dụ: Trong bài đọc Những con sao biển2, GV yêu cầu HS Trình bày suy nghĩ của em về việc làm của cậu bé trong bài.

Ví dụ: Trong bài đọc thơ Cô giáo lớp em3, GV yêu cầu HS Kể về một việc em đã làm để thể hiện tình cảm yêu quý của em đối với thầy cô.

GV có thể yêu cầu HS trình bày miệng về một nhân vật em thích trong truyện đã đọc. Ví dụ : Chọn một nhân vật là người cha hoặc người con trong truyện Hũ bạc của người cha, nói về điều em thích ở nhân vật đó.1

2.3. Thông qua tổ chức trò chơi

Trò chơi học tập thường có tác dụng gây hứng thú cho HS. Trong đánh giá đọc hiểu, GV có thể sử dụng kĩ thuật trò chơi như một cách đánh giá thường xuyên nhằm làm cho hoạt động đánh giá được đa dạng, lôi cuốn HS tham gia vào hoạt động tự đánh giá. Kết quả chơi tự nó đã thể hiện mức hiểu bài của HS.

Ví dụ 1 : Tổ chức cho HS chơi trò đóng vai để học đọc hiểu bài Phần thưởng 2. GV có thể cho một HS đóng vai Na nói lời cảm ơn cô giáo và các bạn khi nhận phần thưởng, một HS đóng vai bạn cùng lớp của Na đáp lời cảm ơn của Na.

Ví dụ 2: tổ chức cho HS chơi trò đóng vai để học đọc hiểu bài Tôi yêu Sài Gòn3 GV có thể cho HS đóng vai một người đang sống ở Sài Gòn nói câu nêu điều mình thấy yêu thích nhất ở thành phố này.

2.4. Thông qua kĩ thuật xử lí tình huống

Xử lí tình huống là kĩ thuật được dùng để đánh giá mức hiểu và vận dụng văn bản vào giải quyết tình huống trong đời sống của HS. Kĩ thuật này giúp HS thể hiện mình đã biết dùng những điều học được từ bài đọc vào việc học, việc làm, việc chơi của các em.

Ví dụ: Tổ chức cho HS đọc hiểu bằng xử lí tình huống trong bài Rừng ngập mặn Cà Mau. GV đưa ra tình huống để mỗi HS nêu cách xử lí của mình, ví dụ : Giả sử em nhận được thông báo lớp của em sẽ được đi tham quan rừng ngập mặn Cà Mau vào cuối tuần. Em suy nghĩ xem mình sẽ mang theo vật dụng gì để dùng và góp phần bảo vệ rừng ở đây.

Ví dụ: Tổ chức cho HS xử lí tình huống khi đọc bài Mục lục sách1, GV yêu cầu HS mở mục lục sách Tiếng Việt 2 tập 1 ở đầu cuốn sách và tìm tên các bài đọc trong tuần 7 ...

Sau khi xử lí tình huống, HS tự rút ra được bài học từ bài đọc một cách tự nhiên, thú vị và cảm thấy việc đọc thiết thực với cuộc sống của các em, tăng thêm kinh nghiệm sống cho các em. Kĩ thuật xử lí tình huống là một trong những kĩ thuật điển hình cho hoạt động đánh giá năng lực.

2.5. Thông qua kĩ thuật học sinh viết suy nghĩ của mình

HS viết suy nghĩ của mình về bài đọc là một kĩ thuật có thể dùng để đánh giá mức hiểu của HS khi: 
1) Giải thích một chi tiết trong bài đọc;
2) Nêu nhận xét về một nhân vật, một chi tiết trong bài đọc; 
3) Nêu bài học HS tự rút ra trong bài đọc.

Ví dụ trong bài đọc Mùa vàng, 2 sau khi HS đọc bài và trả lời những câu hỏi đọc hiểu, GV cho HS viết suy nghĩ của em về công việc của các bác nông dân (2-3 câu).

Ví dụ trong bài đọc Ai ngoan sẽ được thưởng3, sau khi HS đọc bài và trả lời những câu hỏi đọc hiểu, GV cho HS viết nhận xét của em về bạn Tộ trong câu chuyện (2-3 câu). Với yêu cầu này, HS có thể viết về những việc làm của bạn Tộ khi chưa ngoan và khi ngoan, HS cũng có thể đưa ra nhận xét về tính cách của bạn Tộ là người trung thực biết nhận lỗi ...

Ví dụ : sau khi đọc bài Con heo đất, GV cho HS viết suy nghĩ của em về việc dùng tiền tiết kiệm của em vào những việc có ích.4 (Để yêu cầu viết không quá sức với HS, GV chỉ nên yêu cầu HS viết 2 – 3 câu ngắn)
2.6. Thông qua kĩ thuật học sinh viết phiếu kiểm tra

Học sinh viết phiếu kiểm tra là một kĩ thuật đánh giá có tác dụng đánh giá nhiều mức hiểu của HS trong kĩ năng đọc hiểu. Phiếu kiểm tra cần được thiết kế như sau:

– Có một bài đọc đáp ứng các yêu cầu được nêu trong chương trình về độ dài, về kiểu loại văn bản, về độ khó của văn bản.

– Có khoảng 2 nhiệm vụ đọc hiểu tương thích với những yêu cầu cần đạt về đọc hiểu nêu trong chương trình (yêu cầu hiểu nội dung, hiểu hình thức biểu đạt, hiểu bằng liên hệ, so sánh kết nối văn bản với cuộc sống).

– Xác định một thời lượng làm bài đủ để HS hoàn thành các nhiệm vụ đọc hiểu (thông thường thời gian khoảng 15 phút tuỳ theo độ khó và dạng nhiệm vụ yêu cầu HS thực hiện).

Ví dụ Phiếu kiểm tra đọc hiểu vào khoảng giữa học kì I lớp 2 :


GV cần soạn đáp án và biểu điểm dạng rubric và nhận xét bài làm trên phiếu kiểm tra của HS.

Phiếu kiểm tra dùng để đánh giá kĩ năng đọc hiểu nên được dùng vào thời điểm HS học được một số bài trong một chủ điểm với thời lượng học khoảng 2-4 tuần.

* GV không nhất thiết phải chấm điểm bài làm của HS trên phiếu kiểm tra. Việc quan trọng là GV cần chữa bài cho HS trên phiếu.

Phần III. Một số hướng dẫn đánh giá thường xuyên năng lực viết ở các lớp 1, 2, 3

   
1. Đánh giá thường xuyên kĩ năng viết chữ và viết chính tả

Kĩ năng viết chữ và viết chính tả bao gồm các kĩ năng bộ phận: kĩ năng viết chữ trong phần Tập viết, kĩ năng viết đúng các từ chứa những hiện tượng chính tả HS dễ viết sai trong phần Chính tả, kĩ năng viết chính tả một đoạn văn dưới dạng Tập chép hoặc Nghe – viết. Ở các lớp đầu cấp Tiểu học, kĩ năng viết chữ có một vai trò quan trọng, giúp HS biết viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ, viết đúng quy tắc chính tả, biết trình bày bài viết sạch đẹp. Đây là nền tảng cho việc viết văn bản sau này.

Trong chương trình Tiếng Việt 2018, kĩ năng viết chữ, viết chính tả được học ở các lớp 1, 2, 3 với những YCCĐ tăng dần, cần được ĐGTX theo những yêu cầu riêng.

1.1 Đánh giá thường xuyên kĩ năng viết chữ và viết chính tả (kĩ thuật viết) bằng bảng kiểm

Bảng kiểm là một công cụ dùng để ĐGTX nhiều kĩ năng trong đó có kĩ năng viết chữ và viết chính tả. Khi lập bảng kiểm, cần dựa vào những YCCĐ về viết chữ và viết chính tả để xác định các tiêu chí đánh giá.

Với đánh giá kĩ năng viết chữ, các tiêu chí cần đánh giá là : 1) Chữ viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ. 2) Viết chữ thẳng hàng.

3) Giãn cách giữa các chữ theo quy định. 4) Trình bày bài sạch.

Ví dụ: Đánh giá kĩ năng viết chữ trong bài tập viết của HS lớp 2 bằng bảng kiểm:


* Đối với ĐGTX, vì không cho điểm, GV có thể dựa vào mức độ đạt được của HS ở từng tiêu chí để đưa ra nhận xét nhằm đánh giá năng lực của HS

Dựa trên bảng kiểm đã nêu, GV có thể đưa ra lời nhận xét xác nhận những điều HS đã làm được, khuyến nghị HS sửa những điều chưa làm được. GV có thể dựa trên bảng kiểm để nhận xét bài tập viết của HS nêu trong ví dụ trên: Chữ viết thẳng hàng, đúng mẫu, trình bày sạch. Tuy nhiên, cần chú ý khoảng cách giữa các chữ.

Khi thực hiện đánh giá thường xuyên viết chính tả (trong mỗi bài học), GV có thể dùng bảng kiểm để thu thập thông tin rồi dùng kĩ thuật nhận xét bằng lời để thông báo kết quả đánh giá. 
Ví dụ: Đánh giá kĩ năng viết chính tả của HS lớp 1 bằng bảng kiểm:


Dựa trên bảng kiểm đã nêu, GV có thể đưa ra lời nhận xét xác nhận những điều HS đã làm được, khuyến nghị HS sửa những điều chưa làm được. Chẳng hạn, GV có thể dựa trên bảng kiểm nhận xét bài tập viết của HS nêu trong ví dụ trên: Chữ viết thẳng hàng, đúng mẫu, viết đúng các từ, trình bày sạch. Tuy nhiên, cần chú ý nghe đọc xong mới viết để viết nhanh hơn.

* Đối với ĐGTX, vì không cho điểm, GV có thể dựa vào mức độ đạt được của HS ở từng tiêu chí để đưa ra nhận xét bằng lời nhằm đánh giá năng lực của HS.
1.2 Đánh giá thường xuyên kĩ năng viết chính tả đoạn văn hoặc đoạn thơ bằng hướng dẫn chấm điểm (dạng rubric)

Ngoài bảng kiểm để đánh giá thường xuyên kĩ năng viết chính tả đoạn văn như đã nêu, GV có thể thiết kế công cụ đánh giá là một hướng dẫn chấm điểm dạng rubric. Để thiết kế được hướng dẫn chấm điểm, GV cần căn cứ vào YCCĐ về chính tả nêu trong chương trình để xác định những tiêu chí đánh giá kĩ năng viết chính tả đoạn văn bao gồm: 
1) Tốc độ viết;
2) Viết đúng mẫu chữ, cỡ chữ; 
3)Viết đúng từ, dấu câu; 
4) Trình bày theo mẫu và sạch. Ví dụ: Bảng hướng dẫn chấm điểm viết chính tả đoạn văn HS lớp 2:

* Đối với ĐGTX, vì không cho điểm, GV có thể dựa vào mức độ đạt được của HS ở từng tiêu chí để đưa ra nhận xét bằng lời nhằm đánh giá năng lực của HS.

Ví dụ: Bảng hướng dẫn chấm điểm viết chính tả đoạn văn HS lớp 3: Nhớ viết 4 khổ thơ đầu của bài Một mái nhà chung

2. Đánh giá thường xuyên kĩ năng viết câu văn, đoạn văn

2.1. Đánh giá thường xuyên kĩ năng viết câu văn bằng bảng kiểm

Chương trình môn Tiếng Việt lớp 1, 2, 3 có yêu cầu HS viết câu văn dựa trên những gợi ý cụ thể. Căn cứ vào YCCĐ về viết câu trong chương trình để xác định các tiêu chí đánh giá kĩ năng viết câu :1) Câu diễn đạt đúng mục đích giao tiếp (kể hoạt động, tả, nêu yêu cầu hoặc đề nghị, bộc lộ cảm xúc). 2) Câu đúng ngữ pháp. 3) Dùng đúng dấu câu. 4) Viết hoa đúng yêu cầu.

- Nhận biết công dụng của dấu chấm trong câu và viết được những câu kể, tả có dùng dấu chấm.

- Nhận biết công dụng của dấu chấm than trong câu cầu khiến, câu cảm thán và viết được những cầu khiến, cảm thán có dùng dấu chấm than.

- Nhận biết công dụng của dấu phẩy để tách các bộ phận cùng chức năng ngữ pháp trong câu và viết được những câu có dùng dấu phẩy với công dụng đó.

Từ những tiêu chí trên, có thể thiết kế bảng kiểm để đánh giá thường xuyên kĩ năng viết câu của HS lớp 2 :

Ví dụ: Với yêu cầu viết câu Đặt câu nói về hoạt động trong mỗi tranh , HS viết câu như sau :” Ba bạn chơi ném bóng!”. GV có thể dùng bảng kiểm trên để đánh giá kĩ năng viết câu của HS này :




Trên cơ sở ghi kết quả trong bảng kiểm, GV có thể đưa ra nhận xét bằng lời để giúp HS biết được mình đã đạt được những gì và cần khắc phụ thế nào để đạt được yêu cầu mình chưa đạt : ”Câu đã nói về hoạt động thể thao, đúng về ngữ pháp, đã viết hoa đầu câu, tuy nhiên viết sai dấu kết thúc câu.”

Ví dụ với yêu cầu Kết hợp từ ngữ ở cột A với từ ngữ ở cột B để tạo câu nêu đặc điểm. Viết lại những câu đã kết hợp.

HS có bài viết như sau:

       
Giọng nói của bố mượt mà.


Mái tóc của mẹ đen láy.

Đôi mắt của bé đen láy.




GV dùng bảng kiểm để đánh giá bài viết và đưa ra nhận xét như sau : ”Câu thứ 3 nêu đúng đặc điểm màu mắt của bé, câu thứ 2 chọn chưa đúng từ tả màu tóc của mẹ, câu thứ nhất chưa chọn đúng từ ngữ tả đặc điểm giọng nói của bố. Đã viết hoa đầu câu và viết đúng dấu câu.”

Ví dụ dùng bảng kiểm để đánh giá câu HS viết theo gợi ý :

Viết một hoặc hai câu kể lại việc em đã làm cho ông bà.1

- Em đã làm việc gì?

- Ông bà nói gì về việc em làm?

Bài làm của HS : Em đọc báo cho ông bà. ông bà vui lắm.



Dựa trên bảng kiểm, GV có thể đánh giá bằng lời nhận xét : Câu thứ nhất kể đúng việc làm. Cả hai câu viết đúng ngữ pháp. Nên thêm vào câu thứ hai ý ông bà nói gì. Cần viết hoa đầu câu thứ hai.

2.2 Đánh giá thường xuyên kĩ năng viết đoạn văn bằng bảng kiểm

Viết văn bản là một kĩ năng quan trong trọng môn Tiếng Việt, là đầu ra của năng lực viết. Do đó thực chất của việc đánh giá kĩ năng viết văn bản là đánh giá năng lực viết của HS. Vì tầm quan trọng của NL viết, nên NL này được ĐG ở cả hình thức ĐGTX và ĐGĐK. Khi yêu cầu HS viết đoạn văn trong các bài học, cần ĐGTX các đoạn văn HS viết. Có 2 nhóm yêu cầu cần đạt về NL viết : yêu cầu về quy trình viết, yêu cầu về sản phẩm viết.

Khi thực hiện ĐGTX kĩ năng viết đoạn văn, cần ĐG cả 2 yêu cầu trên. Quy trình viết được đánh giá bằng phương pháp quan sát với công cụ bảng kiểm. Trong từng bài học, khi cho HS viết đoạn văn, GV quan sát HS thực hành viết và dùng bảng kiểm để ĐG việc HS thực hiện quy trình viết.

Ví dụ GV dùng bảng kiểm để ĐG quy trình viết đoạn văn của HS lớp 2 trong từng bài học :

Đánh dấu + vào ô trống trước việc HS thực hiện, đánh dấu – vào ô trống trước việc HS không thực hiện.

GV cũng có thể dùng bảng kiểm để cho HS tự đánh giá hoặc đánh giá lẫn nhau đoạn văn HS đã viết. Trong trường hợp này, đánh giá mang tính chất định tính nhiều hơn định lượng, nó cho biết bài làm của HS đã đạt kết quả ở mức cao nhất trong mỗi yêu cầu cần đạt. Ví dụ:

2.3. Đánh giá thường xuyên viết đoạn văn bằng hướng dẫn chấm điểm (dạng rubric)

Để thực hiện ĐGTX sản phẩm viết của HS, GV cần dùng công cụ câu hỏi tự luận hạn chế (để yêu cầu viết đoạn văn) và công cụ rubric hướng dẫn chấm điểm sản phẩm. Dùng rubric để đánh giá sẽ cho biết kết quả định lượng, chi tiết về bài làm của HS.

Ví dụ công cụ ĐG sản phẩm viết đoạn văn tả đồ vật :


Để đánh giá sản phẩm đoạn văn của HS, cần phải xác định các tiêu chí đánh giá như sau :

- Nội dung đoạn văn

- Cấu trúc đoạn văn

- Sử dụng ngôn từ (chữ viết, chính tả, dùng từ, đặt câu)

Trên cơ sở các tiêu chí trên, thiết kế một rubric để làm công cụ đánh giá và cho điểm (nếu cần cho điểm đối với đánh giá định kì).

Trên cơ sở đánh giá theo rubric, GV có thể đưa ra nhận xét bằng lời như sau :” Tả đồ vật đúng với yêu cầu, câu văn có hình ảnh, chữ viết và trình bày sạch.” Chú ý sửa lỗi viết từ.

Ví dụ một rubric ĐGTX kĩ năng đoạn văn viết theo yêu cầu của lớp 3 :

Đề bài : Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc của em về một cảnh đẹp của đất nước.1 Bài làm của một HS :



Trên cơ sở đánh giá theo rubric, GV có thể đưa ra nhận xét bằng lời như sau :”Đoạn văn nêu đúng đặc điểm của cảnh đẹp và cảm xúc trước cảnh đẹp. Câu văn có hình ảnh, chữ viết và trình bày sạch. Cần chú ý viết đúng chính tả một số từ ngữ.”

                      Phần IV. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ ĐỊNH


A. Xây dựng câu hỏi, bài tập đánh giá môn Tiếng Việt theo 3 mức

THÔNG TƯ 27 (3 mức)

- Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;

- Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;

- Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

I. Gợi ý quy trình xây dựng câu hỏi, bài tập theo 3 mức theo quy định tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT.

Bước 1: Xác định mục tiêu cần kiểm tra (nội dung và yêu cầu cần đạt). Từ đó xác định mức độ (bằng cách đối chiếu với 3 mức) và dự kiến câu hỏi/bài tập.

Bước 2: Xây dựng hướng dẫn chấm câu hỏi/bài tập.

Bước 3: Điều chỉnh câu hỏi/bài tập nếu cần thiết.


Bước 4: Thử nghiệm trên lớp học để đánh giá tính khả thi của câu hỏi/bài tập (nếu có điều kiện).
I. Câu hỏi, bài tập đánh giá theo 3 mức trong môn Tiếng Việt

* Câu hỏi, bài tập đánh giá kĩ năng đọc hiểu LỚP 2

a. Mức 1: Trả lời được câu hỏi về một số chi tiết cụ thể trong văn bản như: Ai? Cái gì? Làm gì? Khi nào? Ở đâu?; Tìm được các từ ngữ cho biết địa điểm, thời gian diễn ra sự việc, cho biết hình dáng, điệu bộ, hành động, lời thoại của nhân vật; Nhận biết được vần trong thơ.

b. Mức 2: Trả lời câu hỏi đòi hỏi sự giải thích, suy luận, kết nối các chi tiết trong văn bản như: Như thế nào? Vì sao?...; Xác định được các sự việc chính của câu chuyện; Nêu được điều tác giả muốn nói qua văn bản; Giải thích được thái độ, tình cảm giữa các nhân vật thể hiện qua hành động, lời thoại.

c. Mức 3: Đưa ra những phản hồi hợp lý về nhân vật, sự việc, tình huống… trong văn bản dựa trên trải nghiệm của bản thân (VD: Nêu được nhân vật, chi tiết… yêu thích nhất và giải thích được vì sao.); Nêu được các từ ngữ, hình ảnh,… yêu thích, gây cảm xúc, ấn tượng đối với bản thân; Rút ra bài học có ý nghĩa cho bản thân để giải quyết những vấn đề trong học tập hoặc trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi.

LỚP 3
a. Mức 1: Trả lời được câu hỏi về một số chi tiết và nội dung chính trong văn bản; Tìm được từ ngữ cho biết hình dáng, điệu bộ, hành động,… của nhân vật, thời gian, địa điểm diễn ra sự việc được nói tới trong văn bản; Lựa chọn một nhân vật hoặc địa điểm trong văn bản, mô tả lại nhân vật, địa điểm đó; Xác định được biện pháp so sánh được sử dụng trong văn bản; Nhận biết được vần trong thơ.

b. Mức 2: Sắp xếp được trình tự các sự việc trong văn bản theo trình tự không gian hoặc thời gian; Trả lời được câu hỏi về nội dung hàm ẩn của văn bản với những suy luận đơn giản (dựa trên việc kết nối các chi tiết, sự việc, nhân vật,…trong văn bản); Giải thích được thái độ, tình cảm giữa các nhân vật thể hiện qua hành động, lời thoại,…; Xác định được ý chính của từng đoạn trong văn bản; nêu được điều tác giả muốn nói qua văn bản.

c. Mức 3: Đưa ra những phản hồi hợp lý về nhân vật, sự việc, tình huống… trong văn bản dựa trên trải nghiệm của bản thân. (VD: Lựa chọn một nhân vật trong tác phẩm đã đọc, đã học, nêu tình cảm và suy nghĩ về nhân vật đó,…); Rút ra bài học có ý nghĩa cho bản thân để giải quyết những vấn đề trong học tập hoặc trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi. (VD: Nêu những điều học được từ văn bản,…).

* Câu hỏi, bài tập đánh giá kiến thức tiếng Việt

a. Mức 1: Nhận biết được đơn vị kiến thức đã học.

b. Mức 2: Lựa chọn và giải thích được cách dùng một đơn vị kiến thức đã học.

c. Mức 3: Sử dụng được đơn vị kiến thức đã học phù hợp với ngữ cảnh, tình huống mới.
A. Xây dựng đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt lớp 2, 3

I. Gợi ý quy trình xây dựng đề kiểm tra định kì

- Bước 1: Xác định mục đích đánh giá.

- Bước 2: Xây dựng nội dung đánh giá, ma trận đề kiểm tra.

- Bước 3: Xây dựng các câu hỏi/bài tập theo ma trận đề kiểm tra.

- Bước 4: Dự kiến phương án trả lời (đáp án) các câu hỏi/bài tập ở bước 3 và thời gian làm bài.

- Bước 5: Thiết kế bảng hướng dẫn chấm điểm cho từng câu hỏi/bài tập.

- Bước 6: Thử nghiệm nhiều câu hỏi / bài tập trong đề kiểm tra ; điều chỉnh và hoàn thiện đề kiểm tra dựa trên kết quả thử nghiệm (rà soát lại các câu hỏi/bài tập, mức độ, dựa vào yêu cầu ở bước 1, bước 2).
II. Cấu trúc của đề kiểm tra định kì môn Tiếng Việt lớp 2, 3

Đề kiểm tra Tiếng Việt định kì cuối học kì I và cuối học kì II môn Tiếng Việt lớp 2, 3 được biên soạn dựa trên yêu cầu cần đạt môn Tiếng Việt lớp 2, 3 (tương ứng với nội dung học tập tính đến thời điểm đánh giá định kì cuối học kì).

Kiểm tra định kì môn Tiếng Việt được tiến hành với 2 bài kiểm tra:

- Bài kiểm tra Đọc: 10 điểm

- Bài kiểm tra Viết: 10 điểm.

Điểm kiểm tra định kì môn Tiếng Việt (điểm chung) là trung bình cộng điểm của 2 bài kiểm tra đọc và viết (chia số điểm thực tế cho 2) và được làm tròn (0,5 thành 1). Lưu ý: chỉ làm tròn một lần. Ví dụ: điểm thực tế của 2 bài kiểm tra đọc và viết là 19, quy về thang điểm 10 là 9,5 (làm tròn số thành 10).
1. Bài kiểm tra đọc (10 điểm)

1.1. Kiểm tra đọc thành tiếng kết hợp kiểm tra nghe nói (kiểm tra từng cá nhân): 4 điểm

* Mục tiêu : nhằm kiểm tra kĩ năng đọc thành tiếng kết hợp kiểm tra kĩ năng nghe nói (HS trả lời 1 câu hỏi về nội dung đoạn, bài vừa đọc thành tiếng).

* Nội dung kiểm tra :

+ HS đọc một đoạn/bài không có trong sách giáo khoa (do GV lựa chọn và chuẩn bị trước, ghi rõ tên bài, đoạn đọc và số trang vào phiếu cho từng HS bốc thăm rồi đọc thành tiếng).

+ HS trả lời 1 câu hỏi đơn giản về nội dung đoạn/bài đọc do GV nêu ra.

* Thời gian kiểm tra : GV kết hợp kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng HS qua các tiết Ôn tập ở cuối học kì.

* Cách đánh giá, cho điểm :

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu : 1 điểm

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng) : 1 điểm

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa : 1 điểm

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc : 1 điểm
1.2. Kiểm tra đọc hiểu, kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt (bài kiểm tra viết cho tất cả học sinh): 6 điểm.

* Mục tiêu: nhằm kiểm tra kĩ năng đọc hiểu; kiến thức, kĩ năng về từ và câu của học sinh.

* Phân bố điểm cho các nội dung khảo sát : có thể phân bố điểm như sau:

- Đọc hiểu văn bản : 4/6 điểm

- Kiến thức, kĩ năng tiếng Việt : 2/6 điểm.

Điểm tối đa cho mỗi câu trắc nghiệm (lựa chọn, trả lời ngắn, điền, nối…): 0,5 điểm. Điểm tối đa cho mỗi câu trả lời câu hỏi mở ở mức 3: 1 điểm.

* Phân bố nội dung kiểm tra ở từng mức : tùy theo từng trường có thể đưa ra tỉ lệ ở các mức khác nhau phù hợp với yêu cầu đánh giá, chẳng hạn: Mức 1: khoảng 40%; Mức 2: khoảng 40%; Mức 3: khoảng 20%.

* Thời gian làm bài kiểm tra : khoảng 35 – 40 phút (tùy theo nội dung kiểm tra).

* Gợi ý ma trận nội dung kiểm tra đọc hiểu, kiến thức tiếng Việt lớp 2, 3.
* Một số chỉ dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận.

- Bài đọc hiểu gồm 1 văn bản là câu chuyện, bài văn, bài thơ… không có trong SGK mà HS đã học. Tổng độ dài của văn bản theo quy định về ngữ liệu của Chương trình Tiếng Việt lớp 2, 3.
- Dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan dùng trong đề kiểm tra gồm : câu hỏi 3 - 4 phương án trả lời để HS chọn 1 phương án trả lời, câu hỏi yêu cầu điền ngắn (một từ hoặc cụm từ, dấu câu vào chỗ trống), câu hỏi nối cặp đôi, câu hỏi Đúng – Sai phức hợp,...
- Câu hỏi tự luận (câu hỏi mở) trong đề kiểm tra là loại câu hỏi yêu cầu HS tự hình thành câu trả lời bao gồm một hoặc một số ít câu dùng để: nêu ý kiến cá nhân về một chi tiết trong bài đọc, nêu ý kiến giải thích ngắn về một chi tiết trong bài đọc, trình bày cách phân loại hoặc sắp xếp ý trong bài đọc theo yêu cầu, viết câu có các hiện tượng từ vựng, ngữ pháp đã học, …
- Thời gian tính trung bình để học sinh làm một câu hỏi TNKQ : 1 – 1,5 phút.
- Thời gian tính trung bình để học sinh làm một câu hỏi tự luận dao động từ 2-4phút.

1. Bài kiểm tra viết (10 điểm)

1.1. Kiểm tra viết chính tả (bài kiểm tra viết cho tất cả HS): 4 điểm

* Mục tiêu : nhằm kiểm tra kĩ năng viết chính tả của HS.

* Nội dung kiểm tra :GV đọc cho HS cả lớp viết (Chính tả nghe – viết) một đoạn văn (hoặc thơ) phù hợp với chủ điểm đã học (khoảng 50 - 55 chữ) (Lưu ý: lựa chọn ngữ liệu mới để HS viết chính tả)

*   Thời gian kiểm tra : khoảng 15 phút

- Hướng dẫn chấm điểm chi tiết :

-   Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

-   Chữ viết ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

-   Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi) : 1 điểm

-   Trình bày đúng quy định,viết sạch, đẹp : 1 điểm


1.1. Kiểm tra viết đoạn văn (bài kiểm tra viết cho tất cả học sinh): 6 điểm

* Mục tiêu : nhằm kiểm tra kĩ năng viết đoạn văn của HS.

* Nội dung kiểm tra :

HS viết đoạn văn theo yêu cầu của đề bài thuộc nội dung chương trình đã học ở từng

học kì.

Đề kiểm tra viết đoạn văn nhằm đánh giá tổng hợp những nội dung học tập sau: kĩ năng viết chữ; kĩ năng viết chính tả; kĩ năng dùng từ; kĩ năng đặt câu; kĩ năng viết đoạn văn theo yêu cầu của Chương trình.

- Hướng dẫn chấm điểm chi tiết (xác định các mức độ cần đạt theo từng mức điểm tùy theo đề bài cụ thể):

+ Nội dung (ý) : 3 điểm

HS viết được đoạn văn gồm các ý theo đúng yêu cầu nêu trong đề bài.

+ Kĩ năng : 3 điểm

Điểm tối đa cho kĩ năng viết chữ, viết đúng chính tả : 1 điểm Điểm tối đa cho kĩ năng dùng từ, đặt câu : 1 điểm

Điểm tối đa cho phần sáng tạo : 1 điểm

                                                    

Đăng nhận xét

0 Nhận xét