LỜI NÓI ĐẦU
Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kí Thông tư số 32/2018/TTBGD ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm Chương trình tổng thể (khung chương trình) và 27 chương trình môn học hoạt động giáo dục (trong đó có Chương trình môn Toán).
Chương trình môn Toán nói chung, môn Toán cấp tiểu học nói riêng, quán triệt các quy định cơ bản được nêu trong chương trình tổng thể, kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành và các chương trình trước đó, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước tiên tiến trên thế giới, tiếp cận những thành tựu của khoa học giáo dục, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm như: Đảm bảo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học (Chương trình môn Toán xác định các thành tố cốt lõi của năng lực Toán học, đó là năng lực tư duy và lập luận toán học; năng lực mô hình hóa toán học; năng lực giải quyết vấn đề toán học; năng lực giao tiếp toán học; năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán); Báo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại ; Quán triệt tinh thần " toán học cho mọi người " ; Chú trọng tính ứng dụng , gắn kết với thực tiễn, liên môn (đặc biệt với các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM), với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính,...); Bảo đảm tính thống nhất, sự phát triển liên tục (từ lớp 1 đến lớp 12), chú ý tiếp nối chương trình giáo dục mầm non và tạo nền tảng cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; bảo đảm tính mở (trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục toán học và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng và điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục); Bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học- công nghệ và yêu cầu của thực tế.
Dạy học theo định hướng phát triển năng lực đòi hỏi phải xác định rõ yêu cầu cần đạt, cho biết học sinh có thể hiểu gì, làm được gì sau khi học toán ở từng cấp học/ giai đoạn/ lớp học trong đó thể hiện hai yếu tố quan trọng là kết quả đầu ra mong đợi (expected leaming outcomes) và kĩ năng tiến trình (process skills). Nghĩa là cần chú ý quá trình học sinh tư duy, suy nghĩ giải quyết vấn đề và học sinh cần đạt được những kết quả mong đợi nào về kiến thức, kĩ năng, về hành vi, thái độ.
Ngoài ra, trên tinh thần quán triệt quan điểm tinh giản, thiết thực, Chương trình môn Toán cấp tiểu học đã có một số điều chỉnh cụ thể, ví dụ: nhấn mạnh nội dung thực hành giải quyết vấn đề liên quan đến vận dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn; Giảm độ khó và kĩ thuật tính viết đồng thời chú ý rèn luyện những kĩ năng nhẩm căn bản.
Đổi mới phương pháp dạy học vẫn là điểm nhấn chủ yếu nhất trong đổi mới Chương trình môn Toán. Tổ chức quả trình dạy học theo hướng kiến tạo, phù hợp với tiến trình nhận thức, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng cá nhân học sinh. Linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực,... Kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp với hoạt động thực hành trải nghiệm. Khuyến khích sử dụng những phương tiện nghe nhìn, phương tiện kĩ thuật hiện đại hỗ trợ quá trình dạy học, đồng thời coi trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thống.
Đánh giá năng lực người học thông qua các bằng chứng thể hiện kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các hành động của người học. Vận dụng kết hợp một cách đa dạng nhiều hình thức đánh giá (đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì), nhiều phương pháp đánh giá (quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, kiểm tra viết, bài tập thực hành, các dự án/ sản phẩm học tập,...) và vào những điểm thích hợp.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu và góp phần chuẩn bị cho giáo viên triển khai thực hiện Chương trình môn Toán, chúng tôi biên soạn bộ tài liệu Hướng dẫn dạy học Toán theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (bao gồm ba cuốn dành cho từng cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông). Với mục đích trên, mỗi cuốn trong bộ sách được trình bày theo các phần chính như sau:
Phần một: Những vấn đề chung, đề cập hai nội dung chính: (1) Khái quát về Chương trình giáo dục phổ thông mới; (2) Khái quát về chương trình môn Toán
Phần hai: Thiết kế và thực hiện giáo án: Trình bày chi tiết một số giáo án minh họa cho việc dạy học ở một số dạng bài/ chủ đề theo định hướng phát triển năng lực. Nội dung các bài học dựa trên yêu cầu cần đạt nêu lại một số lớp cụ thể trong Chương trình môn Toán. Quy trình dạy học thể hiện cụ thể và tường minh cách tiếp cận phát triển năng lực.
Phần ba: Hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Thông qua một số ví dụ minh họa, đề cập các nội dung chính trong việc soạn thảo đề kiểm tra, đánh giá như: (1) Mục đích; (2) Cấu trúc đề (Số lượng, dạng thức, thời gian); Xác định yêu cầu cần đạt cốt lõi; Tỉ trọng nội dung và các mức độ đánh giá; Ma trận phân bổ câu hỏi và mức độ, yêu cầu thiết kế ; Xây dựng câu hỏi; (3) để minh họa; (4) đáp án và thang điểm.
Các tác giả hi vọng góp phần cùng các thầy cô giáo và cán bộ quản lí nhà trường Tiểu học suy nghĩ, tìm tòi các giải pháp triển khai thực hiện có chất lượng Chương trình môn Toán mới từ năm học 2020-2021
Xin chân thành cám ơn!
Chủ biên
0 Nhận xét